Trang chủ Tin Tức Sắp luật hóa tài sản số, giao dịch bitcoin và tiền ảo...

Sắp luật hóa tài sản số, giao dịch bitcoin và tiền ảo sẽ bị đánh thuế?

12
0
Rate this post

Tại buổi tọa đàm chiều nay (21/8) nhiều ý kiến cho rằng do thiếu vắng khung pháp lý nên dù giao dịch tài sản ảo ở Việt Nam khá nhộn nhịp song tiềm ẩn không ít rủi ro. Bởi vậy, một số doanh nghiệp rời bỏ Việt Nam sang Hồng Kông, Singapore để phát triển…

Tài sản số có thể được luật hóa trong Luật Công nghiệp công nghệ số

Chiều ngày 21/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Chính sách thuế – tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp”. Tại đây, các diễn giả đã phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến việc quản lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, nghĩa vụ thuế liên quan đến tài sản số cùng nhiều nội dung được nêu ra trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến.

SÔI ĐỘNG GIAO DỊCH NGẦM

Theo các ý kiến tại tọa đàm, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển và bùng nổ của công nghệ số nói chung và công nghiệp công nghệ số nói riêng là xu hướng tất yếu toàn cầu. Công nghiệp công nghệ số ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng và là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Đồng thời, đóng vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc gia số.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì xây dựng và lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cấp, các ngành đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp sắp tới.

Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển công nghệ số. Điều 8 của dự thảo luật định nghĩa: “Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan“.

Không chỉ bao gồm bitcoin và tiền ảo, tài sản số có phạm vi rộng hơn rất nhiều, bao gồm tiền tệ kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa…), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số…) và tài sản vật chất được số hóa tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính…

Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng điểm cốt lõi trong dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đó là lần đầu tiên đưa ra quy định về tài sản số. Trên thực tiễn, tài sản số, tiền ảo đã phát triển nhưng Việt Nam vẫn chưa có khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Do đó, thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam.

Ông Trần Huyền Dinh, CEO Công ty AlphaTrue cũng nêu rõ thực tế nhiều trường hợp để doanh nghiệp phát triển dễ dàng hơn họ buộc phải qua các địa bàn lân cận như Singapore, Hong Kong.

“Điều này không chỉ tạo ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật mà còn gây khó khăn thu hút vốn, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài”, ông Dinh đánh giá.

Chỉ khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển được.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau, có thể coi tài sản số là một loại chứng khoán, có nước xem đây là một loại tài sản đặc biệt, có nước xem là một tài sản hỗn hợp, Việt Nam có thể tham khảo.

Theo ông Tuấn, hiện tại là phải ghi nhận, sau đó, định hình tài sản số, phân loại ra sao… sẽ tiến hành từng bước. Tiếp theo cần định hướng Việt Nam là điểm đến của doanh nghiệp, của nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số.

Nêu lỗ hổng quản lý thuế trong lĩnh vực này, đại diện VCCI cho rằng hiện có nhiều người sở hữu, thu nhập, thậm chí thu nhập rất lớn từ tài sản số nhưng không thu thuế được.

Về nguyên tắc, nhà nước có thể thu thuế giá trị gia tăng khi phát sinh giao dịch hay thu thuế từ thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp nhưng trước tiên phải định nghĩa được loại tài sản này.

Ngoài ra, nhiều vụ việc xảy ra, sàn giao dịch huy động tiền nhà đầu tư gặp sự cố, nhiều nhà đầu tư mất trắng hay không ít trường hợp xảy ra tranh chấp, chuyển nhượng tài sản ra sao thì hiện pháp luật chưa có cơ chế xử lý. Do đó, quyền và lợi ích người tham gia trong lĩnh vực này chưa được đảm bảo.

“Khi có pháp lý, công nghiệp công nghệ số dần được hình thành, phát triển mạnh mẽ, quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này được bảo vệ”, đại diện VCCI đánh giá.

Đặt nhiều kỳ vọng khi Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực, ông Trương Bá Tuấn, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), Phó Cục trưởng cho rằng tài sản số được xem như một loại tài sản trong pháp luật dân sự. Khi đó, có căn cứ thực hiện pháp luật về thuế với chủ thể tham gia giao dịch, chuyển nhượng tài sản này.

QUY MÔ THỊ TRƯỜNG HÀNG TRĂM TỶ USD

Trước đó, nhìn lại toàn cảnh bức tranh về tài sản số hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung dẫn chứng báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD, đến năm 2023 tăng lên tới 120 tỷ USD.

Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số, tương ứng 21% dân số Việt Nam sở hữu, chỉ sau UAE và Hoa Kỳ.

Năm 2023 Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7, trong khi đó, hai quốc gia nhỏ, sát với chúng ta là Singapore và Thái Lan vươn lên đứng thứ 3 và thứ 5.

Đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp trao đổi về những điểm mới của Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ.

Cũng theo ông Trung, tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam mà còn là việc cạnh tranh khu vực.

“Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực, chứ không thể có cách nhìn tiêu cực là ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng”, ông Trung nhấn mạnh.

Ánh Tuyết

Nguồn: https://vneconomy.vn/sap-luat-hoa-tai-san-so-giao-dich-bitcoin-va-tien-ao-se-bi-danh-thue.htm

Bài trướcGiá Bitcoin giảm 1,78%
Bài tiếp theoSàn Binance thống trị cộng đồng tiền điện tử nói tiếng Trung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây