Trang chủ Tin Tức Một người Việt bị nghi đứng sau vụ lừa đảo tiền số...

Một người Việt bị nghi đứng sau vụ lừa đảo tiền số lớn nhất năm

10
0
Rate this post

Dự án GM AI rug-pull khoảng 30 triệu USD của người mua sớm, được khởi xướng bởi tài khoản X ẩn danh. Những nạn nhân vụ lừa đảo nghi ngờ một người Việt Nam đóng vai trò quản lý.

Một người Việt bị nghi đứng sau vụ rug-pull tiền số 30 triệu USD.

Gần đây, vụ “rút thảm” dự án GM AI trên blockchain Solana nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư tiền số toàn cầu. Với tổng giá trị chiếm đoạt gần 30 triệu USD, đây là vụ lừa đảo có số tiền lớn nhất kể từ đầu năm.

Vốn xuất phát từ một tài khoản ẩn danh trên Twitter, những nhà điều tra chuỗi khối nghi ngờ người đứng sau là doanh nhân người Việt tên H.Đ. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn chưa được xác minh.

Vụ lừa đảo 30 triệu USD diễn ra thế nào?

Cụ thể, vụ việc bắt đầu từ tháng 3 khi dự án tiền số GM AI được công bố. Nó được xây dựng trên chuỗi khối Solana, vốn là nơi có dòng tiền chảy vào gần đây nhờ cơn sốt meme coin. Ngoài ra, GM AI cũng “bắt trend” trí tuệ nhân tạo nổi bật của giới công nghệ.

Khởi xướng dự án nói trên là một tài khoản ẩn danh trên X (Twitter) có tên Dexter. Người này cũng từng xây dựng sàn DEX Whale Market tương đối uy tín trước đó. Do vậy, khi khởi xướng GM AI, nó nhận được sự quan tâm và tin tưởng của nhiều nhà đầu tư trong cơ sóng FOMO (sợ bỏ lỡ).

Giá GM giảm mạnh sau khi lên sàn. Ảnh: BlockBeats.

Trong 30 phút sau khi công bố, Dexter đã huy động được 155.364 SOL (khoảng 32 triệu USD theo thị giá bấy giờ). Ngay sau khi nhận tiền bán trước token, người này lập tức chuyển chúng lên sàn Binance. Nhà sáng lập GM AI trấn an người đầu tư rằng việc này nhằm đổi SOL sang một loại tài sản ổn định, tránh mất giá.

Tuy nhiên trái với kỳ vọng của người góp tiền, token GM AI không được ra mắt như dự kiến. Nhà phát triển liên tục trì hoãn mở bán. Đến tháng 8, khi đồng tiền số được giới thiệu, trend (xu hướng) meme coin trên Solana đã qua và cộng đồng không còn chú ý đến.

Khi lên sàn, giá GM giảm mạnh đến 88%. Nhà đầu tư xem đây là hành động “rút thảm”. Theo dữ liệu chuỗi khối, Dexter đã thu được hơn 30 triệu USD nhưng chỉ để 1,6 triệu USD trong bể thanh khoản. Người này hoàn toàn im lặng trước yêu cầu giải thích của cộng đồng.

Trong nỗ lực tìm kiếm danh tính Dexter, một số người điều tra chuỗi khối khẳng định kẻ lừa đảo là H.Đ, một doanh nhân người Việt, từng đứng sau nhiều dự án tiền mã hóa sụp đổ. Tuy nhiên, các tài khoản này không đưa ra bằng chứng cụ thể, phương thức để xác nhận ông H.Đ là người đứng sau GM AI.

Trên Twitter, những lời hăm dọa tìm kiếm, làm hại gia đình của nhân vật H.Đ cũng được các tài khoản ẩn danh đưa ra.

Sau đó, Dexter xuất hiện trở lại và tuyên bố có sai sót trong quản lý, đồng thời hứa trả lại tiền cho nhà đầu tư mua sớm. Tài khoản này cũng phủ nhận các thông tin lan truyền về danh tính bản thân và mối quan hệ với H.Đ.

Tuy nhiên, tài khoản tố cáo khẳng định một nhóm người Việt, gồm cả H.Đ đứng sau vụ rút thảm GM AI.

Mô hình quá nhiều rủi ro

Trước vụ rút thảm, mô hình huy động vốn của GM AI đã tồn tại rất nhiều rủi ro. Những nhà đầu tư tham vọng thu lời lớn, tin tưởng vào dự án chỉ tồn tại trên giấy, lộ trình không rõ ràng và được hỗ trợ bởi người chưa rõ danh tính. Bất chấp điều này, nó vẫn thu hút được hàng chục triệu USD mua sớm (pre-sale).

Meme coin BOME kích hoạt trở lại trào lưu bán sớm tiền số trước ngày ra mắt, nhiều rủi ro. Ảnh: Watch Guru.

Trào lưu này trở lại sau thành công của BOME, một meme coin khác trên blockchain Solana, ra mắt hồi tháng 3. Sau khi lên sàn, nó tăng giá khoảng 20 lần và có vốn hóa vượt 1 tỷ USD. Những người mua sớm BOME thu được khoản lợi nhuận khổng lồ 2.000%.

Hình thức mở bán trước của dự án này cũng không khác gì GM AI. Nhà phát triển cung cấp địa chỉ ví và nhà đầu tư gửi tiền vào mà không có hình thức bảo vệ nào ngoài niềm tin. Tuy nhiên, BOME lại nhanh chóng được lên sàn. Nhà phát triển điều phối dòng vốn, bể thanh khoản của dự án meme coin được bổ sung liên tục, nhằm đẩy giá.

Sau BOME, hình thức pre-sale bị biến tướng, trở thành hình thức lừa đảo. Nhiều dự án meme coin kêu gọi người dùng chuyển tiền trước, trả token sau. Kết quả là các kịch bản rút thảm hoặc slow rug (bán tiền số từ từ khiến giá giảm dần về 0).

Xuân Sang

Nguồn: https://znews.vn/mot-nguoi-viet-bi-nghi-dung-sau-vu-lua-dao-tien-so-lon-nhat-nam-post1498511.html

Bài trướcBị phạt truy thu 2,57 tỷ vì trốn thuế, Coinco 703 vẫn trúng nhiều gói thầu lớn
Bài tiếp theoNga thử nghiệm tiền điện tử trong thương mại quốc tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây