Lời hứa về một nước Mỹ thân thiện với tiền số chưa chắc sẽ có lợi cho Bitcoin. Đỉnh mới của Bitcoin xuất phát từ niềm tin ngây thơ: ‘Tân tổng thống ủng hộ tiền số, nên mua’.
Bitcoin tăng 30% giá trị, thêm gần 500 tỷ USD tổng giá trị vốn hóa trong vòng chưa đầy 2 tuần. Ảnh: New York Times.
Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Bitcoin đã đạt mức giá trị cao kỷ lục, vượt qua đỉnh cao thời kỳ Covid-19 và đẩy tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa lên tới 2.600 tỷ USD. Đây là mức đáng kinh ngạc, không thua kém bất kỳ công ty Mỹ nào, ngoại trừ 6 tập đoàn lớn nhất.
Thậm chí, đồng Dogecoin, từng ra đời chỉ với mục đích châm biếm, nay cũng đủ sức nằm trong danh sách 200 công ty hàng đầu nếu xét theo giá trị.
Bitcoin không cần ai “cởi trói”
Tất cả đều xoay quanh những kỳ vọng rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ dỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt đối với ngành tiền mã hóa, bắt đầu từ việc thay thế chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler – một nhân vật nổi tiếng không mấy thân thiện với crypto.
Nếu ông bị loại bỏ, các quy định sẽ trở nên dễ thở hơn đối với các công ty và sàn giao dịch tiền mã hóa, đồng thời mở ra những hướng đi mới cho lĩnh vực tài chính và khai thác tiền số tại Mỹ. Về lý thuyết, một quốc gia với môi trường pháp lý thân thiện sẽ dễ dàng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Nếu không có bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào với tiền điện tử, chúng hoàn toàn sẽ bị thúc đẩy bởi nguồn cung và nhu cầu theo cảm tính. Nhiều người mua hơn có nghĩa là giá cao hơn.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, Bitcoin thực tế lại không cần đến sự “cởi trói” này như các loại tiền mã hóa khác. Bitcoin và Ethereum hầu như không gặp nhiều áp lực từ các quy định hiện tại. Vốn được xem là hàng hóa, Bitcoin tránh được sự giám sát trực tiếp của SEC và đã có cả hợp đồng tương lai lẫn ETF – sản phẩm quỹ giao dịch mà chính SEC đã phải chịu thua trước những vụ kiện pháp lý.
Về nguyên tắc, quy định dễ dàng hơn sẽ đẩy giá lên cao nhờ thu hút người mua dễ dàng hơn. Ảnh: Bloomberg.
Trong khi đó, nhiều loại tiền mã hóa khác mới là bên được lợi nhiều hơn nếu chúng cũng được miễn trừ khỏi các quy tắc nghiêm ngặt của SEC. Ethereum cũng có thể được hưởng lợi từ việc nới lỏng các quy định liên quan đến tài chính phi tập trung.
Song, sự thay đổi này gần như không tác động đến Bitcoin. Thậm chí, nới lỏng quy định có thể kéo người mua và nguồn vốn ra khỏi Bitcoin bởi họ đổ vào các đồng tiền khác trong hệ sinh thái altcoin.
“Bất kỳ động thái nới lỏng quy định nào đối với ngành tiền mã hóa đều có lợi cho altcoin hơn là cho Bitcoin vì không có quy định kinh doanh nào đối với Bitcoin”, Alex Thorn, giám đốc nghiên cứu tại Galaxy Digital – một công ty dịch vụ tài chính chuyên về tiền mã hóa, nhận định.
Vậy tại sao Bitcoin lại tăng giá tới 30% kể từ đêm bầu cử, tăng thêm gần 500 tỷ USD vào giá trị vốn hóa chỉ trong chưa đầy 2 tuần, trong khi các altcoin và Ethereum dường như lại bị tụt lại?
Donald Trump đắc cử, tại sao Bitcoin lập đỉnh mới?
Lập luận đơn giản và phổ biến nhất là “tân tổng thống ủng hộ tiền số, nên mua Bitcoin”. Quả thật, ông Trump đã thay đổi quan điểm về tiền số và xung quanh ông là các cố vấn thân thiện với lĩnh vực này. Đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là Bitcoin – đồng tiền mã hóa lớn nhất, cũng sẽ được hưởng lợi, mặc dù bản thân điều này không có cơ sở lý thuyết vững chắc nào.
Trên thực tế, giá trị Bitcoin phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc và tâm lý thị trường. Không có bất kỳ yếu tố nền tảng nào thúc đẩy giá trị đồng này. Với nhiều người, họ đồng nhất “Bitcoin” với “tiền mã hóa”, nên cho rằng bất cứ điều gì có lợi cho tiền số thì cũng sẽ tốt cho Bitcoin, ngay cả khi thực tế không phải vậy.
Lý do thứ 2 khiến nhiều người trong cộng đồng tiền mã hóa hưng phấn là lời hứa của Trump sẽ tạo ra một “kho dự trữ quốc gia chiến lược về Bitcoin”. Ý tưởng này bao gồm ngăn chặn việc bán ra các khoản Bitcoin đã bị các cơ quan thực thi pháp luật thu giữ.
Đối với cộng đồng tiền số, đây là một dấu hiệu tích cực, có khả năng chính phủ Mỹ sẽ tích trữ Bitcoin và biến nó thành tài sản dự trữ để hỗ trợ đồng USD. Ý tưởng này từng được Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đề xuất trước đó.
Nhiều tin đồn cũng cho rằng nhiều quốc gia có thể sẽ nhanh chóng mua Bitcoin để “đón đầu” chính sách mới của Mỹ. Tuy nhiên, điều này nghe có vẻ phi lý.
Các quốc gia chỉ cần dự trữ ngoại tệ khi đồng tiền quốc gia của họ không ổn định hoặc cần phải điều tiết lượng tiền do thặng dư thương mại. Với vị thế và sự ổn định của đồng USD, Mỹ không cần đến dự trữ Bitcoin. Ngay cả khi cần, có lẽ Trump cũng không muốn dành nguồn lực quốc gia vào việc mua Bitcoin thay vì dùng cho chi tiêu công hoặc cắt giảm thuế, Wall Street Journal nhận định.
Kể từ cuộc bầu cử, Bitcoin đã tăng thêm hàng tỷ USD vào tổng giá trị. Ảnh: Bloomberg.
“Nếu Bộ Tài chính hoặc Cục Dự trữ Liên bang (FED) tuyên bố sẽ mua Bitcoin để hỗ trợ cho USD, đó sẽ là một dấu hiệu tiêu cực cho USD. USD được bảo chứng bởi sự tín nhiệm và khả năng thanh toán của nước Mỹ. Nếu chính phủ bảo trợ bằng Bitcoin thì chẳng khác gì bảo trợ USD bằng kẹo mút hoặc kem đánh răng”, Alex Thorn phân tích.
Lý do thứ 3 liên quan đến nguy cơ lạm phát. Một số nhà đầu tư vào Bitcoin vẫn tin rằng nó là biện pháp phòng ngừa lạm phát, nhất là khi các chính sách của Trump có thể gây lạm phát thông qua thuế và cắt giảm thuế.
Song, Bitcoin chưa bao giờ là hàng rào chống lạm phát hiệu quả. Nó giống các cổ phiếu đầu cơ hơn là các hàng rào chống lạm phát truyền thống như vàng hay trái phiếu bảo vệ lạm phát.
Nói một cách khác, Bitcoin là “tâm lý bầy đàn”, không phải công cụ phân tích kinh tế, Wall Street Journal kết luận.
Thúy Liên
Nguồn: https://znews.vn/donald-trump-co-that-la-vi-cuu-tinh-cua-bitcoin-post1511371.html