Trang chủ Tin Tức Chủ tịch SSI: Chưa thấy ai ly hôn mà chia tài sản...

Chủ tịch SSI: Chưa thấy ai ly hôn mà chia tài sản là Bitcoin

4
0
Rate this post

Nếu Việt Nam bỏ lỡ làn sóng tài sản số lần này, không biết tới bao giờ mới có được cơ hội thứ hai, theo Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng.

“Tôi biết nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam đang sở hữu tài sản số như Bitcoin, nhưng chưa thấy ai ly hôn mà phân chia tài sản là Bitcoin cả”, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng chia sẻ bên lề sự kiện Vietnam Tech Impact Summit 2024 tổ chức hôm nay.

Theo ông Hưng, tài sản số hiện đang trở thành chủ đề nóng trong cộng đồng công nghệ tại Việt Nam, thậm chí trên nghị trường Quốc hội. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là tính chính danh của tài sản số.

Dù Bitcoin và các tài sản số khác ngày càng phổ biến tại Việt Nam, nhưng vấn đề khung pháp lý và sự công nhận từ pháp luật vẫn còn bỏ ngỏ.

Chủ tịch SSI gọi đây là một sự bất cập, khi người Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm các tài sản số. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng nằm trong nhóm bốn quốc gia hàng đầu về giao dịch tiền số.

Sự bất cập của tài sản số

“Nếu như trước đây, chúng ta nghe thấy tiền số, blockchain, trí tuệ nhân tạo là câu chuyện ở nước này, nước khác, thì hiện đã đi vào từng ngóc ngách của xã hội Việt Nam. Nhưng chúng ta lại chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh dành cho các tài sản này”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, việc thiếu khung pháp lý đang gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, khi phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, và phần nào mất đi lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.

Chưa kể, việc thiếu đi những quy định, hướng dẫn về tài sản số cũng sẽ trở thành kẽ hở để kẻ gian tận dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từng trao đổi với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn, ông Hưng cho biết, các đơn vị này có xu hướng chọn các quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn Việt Nam.

“Các tài sản truyền thống luôn có pháp lý, có biên giới và có hải quan để kiểm soát, còn tài sản số hiện nay thì không. Nếu lần này chúng ta bỏ lỡ làn sóng tài sản số, thì không biết tới bao giờ mới có được cơ hội thứ hai”, ông Hưng trăn trở.

Chủ tịch Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng – Ảnh: DN

Đề xuất khung pháp lý cho tài sản số

Đứng trước thực trạng này, Chủ tịch SSI kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường.

“Là những người đang tham gia sâu sát vào thị trường công nghệ và tài sản số, chúng tôi nhận thấy rằng việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Hưng nói.

Ngoài ra, Chủ tịch SSI cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain (chuỗi khối) và công nghệ số, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Đi cùng với đó là xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo, điều cốt lõi của tài sản số.

Ông Hưng cũng đề xuất Chính phủ có thêm nhiều hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của thị trường Việt Nam.

Chia sẻ câu chuyện đầu tư của chính mình, ông Hưng cho biết đã thành lập SSI Digital có số vốn 200 tỷ đồng để giúp cộng đồng đầu tư và phát triển lĩnh vực tài sản số.

“Giấy phép đã được cấp từ lâu, nhưng tới nay, chúng tôi vẫn loay hoay về khung pháp lý. Làm thế nào để giải ngân? Làm thế nào để giúp được cộng đồng?”, ông Hưng nói.

Nhìn lại bài học của thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2000, khi mọi thứ còn khá mơ hồ, Chủ tịch SSI tin rằng, thị trường tài sản số hiện nay có tính khả thi hơn và có thể sớm được hiện thực hóa hơn.

Tài sản số bao giờ được đưa vào luật?

Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Trong đó, tài sản số bước đầu đã được quy trình và đề xuất có cơ chế thử nghiệm kiểm soát.

Dự thảo Luật đã dành mục số 3 quy định tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ, như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa cũng được quy định rõ là một loại tài sản số.

Đồng thời, tại dự thảo luật cũng đưa ra quy định về nguyên tắc quản lý tài sản số và giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, tiêu chí, nguyên tắc quản lý tài sản số, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.

Dự thảo luật đã quy định về nguyên tắc thử nghiệm và thẩm quyền cho phép thử nghiệm cũng như miễn trừ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tham gia thử nghiệm.

Thẩm tra dự thảo Luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận thấy việc quy định về tài sản số trong luật là cần thiết.

Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng, bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới, thì Việt Nam sẽ là nhóm quốc gia đầu tiên có bộ luật riêng về tài sản số, cũng như công nghiệp công nghệ số.

Việt Hưng

Nguồn: https://theleader.vn/chu-tich-ssi-chua-thay-ai-ly-hon-ma-chia-tai-san-la-bitcoin-d38203.html

Bài trướcHội nhóm tiền ảo Pi Network chao đảo theo giá Bitcoin
Bài tiếp theoMỹ chuyển 2 tỷ USD Bitcoin lên sàn, sẵn sàng để bán

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây